“Ba mạ và
các anh chị yêu quý! Chắc có lẽ con sống trên đời này là gánh nặng của
mọi người. Con nghĩ, chết là ô nhục lắm, nhưng đó là biện pháp tốt
nhất…”.
Đó
là lời mở đầu bức thư tuyệt mệnh dài 3 trang trước khi thắt cổ tự vẫn
hôm 2/12 của em Trần Thị Hoa, SN 1993, ở thôn Minh Lệ (Quảng Minh,
Quảng Trạch, Quảng Bình).
Sự ân hận muộn màngNgôi nhà của em Trần Thị Hoa, học sinh lớp 10A8,
trường THPT Bán công Nam Quảng Trạch, sau cái chết của em hai ngày,
trong nhà trống hoác, chẳng có gì đáng giá, một không khí tang tóc bao
trùm.
Ông Trần Xuân Đính (60 tuổi) và bà Nguyễn Thị Vân (59
tuổi) là cha, mẹ của em Hoa ngồi thất thần trước bàn thờ lập vội. Câu
chuyện về cái chết bi thương của Hoa được ghép nối trong tiếng nấc
nghẹn ngào và tiếng thở dài của ông Đính, bà Vân.
Bà Vân kể: “Nhà tui có 8 đứa con, Hoa là con út. 5 đứa
trước có gia đình, còn 3 đứa ở trong nhà với vợ chồng tui. Nhà chỉ có 4
sào ruộng, vất vả quanh năm, suốt tháng mà cũng không đủ ăn nên tui hay
gắt gỏng, nặng lời với nó. Nhiều lần Hoa xin tiền nộp học phí, nhưng
trong nhà lúc đó một xu cũng chẳng có, nên tôi đã rất nặng lời với nó.
Trời ơi, con Hoa tìm đến cái chết là lỗi tại tui” - Bà Vân òa khóc.
Người chị gái đầu của Hoa khóc theo và đến bàn thờ lấy
lá thư tuyệt mệnh của Hoa đưa cho chúng tôi. Thư có đoạn viết: “Khi con
ăn đất, nằm sương thì mạ có thể nghĩ lại những lời mạ đã nói với con.
Có những lúc con nghĩ mạ không phải là mạ của con. Vì nếu làm mạ thì
đâu lại nói với con những lời như rứa phải không mạ? Khi con chết đi
gia đình nên vui mừng vì đã bớt đi một gánh nặng. Một năm học hơn 2
triệu, ba năm là gần 7 triệu chứ có ít đâu…”.
Bức thư tuyệt mệnh của cô nữ sinh lớp 10 |
Cái chết được báo trước?Sáng 4/12, thầy giáo Nguyễn Kế Quang - Hiệu trưởng
trường THPT BC Nam Quảng Trạch và thầy Phan Ngọc Tuấn - Chủ nhiệm lớp
10A8 cho chúng tôi biết: Em Hoa là một học sinh ngoan, học khá và
nghiêm túc trong học tập. Do nhà nghèo nên em ăn mặc không được tươm
tất như các bạn và đi chiếc xe đạp cũ nát nên hay bị các bạn không hiểu
hoàn cảnh trêu chọc. Đã có lần em đòi bỏ học đi miền Nam, nhưng thầy
Tuấn đã vào nhà vận động em quay trở lại.
Thầy Tuấn đưa cho chúng tôi xem cuốn sổ thu chi của
lớp 10A8, em Trần Thị Hoa còn thiếu 2 tháng học phí là 228 ngàn đồng.
Thầy Tuấn chia sẻ: “Vì biết gia đình em hoàn cảnh khó khăn, có lần tôi
đề nghị hỗ trợ một phần học phí nhưng em ấy đã từ chối.
Sáng ngày mất, Hoa có điện cho tôi nói rằng xin bỏ
học. Lúc đó tôi đang có giờ giảng buổi sáng nên tôi nói với em là hãy
bình tĩnh, có gì chiều gặp rồi nói với thầy. Dạy xong tiết cuối cùng,
khoảng 5 giờ chiều tôi chạy xe máy vào thì thấy nhà em đông nghịt
người, lúc đó tôi mới biết em đã tự vẫn”.
Thầy Tuấn đưa cho chúng tôi xem một mảnh giấy, trước
đó một ngày em Hoa đã viết đưa cho em Thủy (bạn ngồi cùng bàn): “Thủy
à! Tớ đi trước một bước nha, ở lại vui vẻ nhé. Tớ mãi nhớ mi!”. Thầy
Tuấn tiếc nuối: “Em Thủy cũng chỉ tưởng là Hoa bỏ học chứ không nghĩ là
Hoa lại nghĩ quẩn như thế. Giá như…”.
Thầy Quang thông tin: Trường THPT BC Nam Quảng Trạch
đóng trên địa bàn mà đa số người dân còn khó khăn, trường hiện có 1.235
học sinh, thì có đến 327 học sinh thuộc diện hộ nghèo và con thương
binh.
Vì là trường bán công, lấy thu bù chi nên không thể
bớt các khoản thu theo quy định. Trường đã cho lập danh sách những học
sinh thuộc diện hộ nghèo để có kế hoạch và chính sách hỗ trợ các em một
ít sách vở chứ không thể làm gì hơn. Cái chết của em Hoa là một nỗi đau
nhưng cũng là lời cảnh báo cho các bậc làm cha, làm mẹ.
Ở lứa tuổi này, những diễn biến tâm lý của các em rất
phức tạp. Gần gũi, sẻ chia với lòng yêu thương là cách tốt nhất để
không phải hối hận vì những điều đáng tiếc xảy ra.
Theo Minh Toản / Tiền Phong